Khả năng nhận biết nhịp điệu âm nhạc có thể được cải thiện qua rèn luyện, cách mới trị chứng đọc khó

Bạn không thích nghe những bản nhạc có tiết tấu chậm, rất chậm và da diết như R&B ballabs? Nguyên là do não bạn chưa qua rèn luyện để cảm nhận được nhiều loại nhịp điệu khác nhau. Đó là kết luận của các nhà khoa học sau khi nghiên cứu sự khác nhau trong hoạt động não bộ của người thường và các nhạc sĩ. Kết luận này không chỉ giúp chúng ta có hướng hoàn thiện khả năng nghe nhạc, mà còn mở ra phương pháp điều trị chứng khó đọc ở trẻ em.

Khi chúng ta nghe người khác nói chuyện, sóng điện trong não sẽ đồng bộ với nhịp điệu của các âm tiết, từ đó giúp chúng ta hiểu được người khác đang nói gì. Quá trình này cũng diễn ra trong lúc chúng ta nghe nhạc. Tuy nhiên, khả năng đồng bộ này là khác nhau ở mỗi người và các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do “mức độ huấn luyện” mà não nhận được trong quá khứ.

Tiến sĩ Keith Doelling và các đồng sự tại Đại học New York đã theo dõi sóng não của các nhạc sĩ và người bình thường trong quá trình họ nghe nhạc. Kết quả cho thấy cả 2 nhóm người đều sở hữu dạng sóng não tần số thấp, còn gọi là sóng não delta và theta, để giúp họ nhận biết được nhịp điệu bài nhạc. Tiến sĩ Doelling cho hay: “Sự đồng bộ bằng sóng não giúp chúng ta giải mã được âm nhạc. Sóng não sẽ thu thập thông tin từ bài nhạc liên tục, cắt nó ra thành từng mảnh nhỏ để chúng ta xử lý.”

Tuy nhiên, đối với một số thể loại nhạc đặc biệt chậm thì những người không phải nhạc sĩ sẽ ít có khả năng đồng bộ hơn, một số tình nguyện viên còn cho rằng họ bị lạc lối trước những giai điệu chậm.

Với kết quả này, Doelling cho rằng không phải là tài năng thiên bẩm, mà do các nhạc sĩ, nhạc công đã được tập luyện về âm nhạc nên họ vẫn cảm thấy dễ chịu đối với những giai điệu chậm. Bằng cách chia nhỏ giai điệu ra, sau đó nắm bắt cấu trúc của nó và ghép lại thành một bức tranh tổng thể, các nhạ công sẽ xử lý bài nhạc được tốt hơn.

Một giả thuyết để lý giải cho khả năng này là có thể, các nhạc công được chơi nhiều, nghe nhiều và họ đạt được “siêu kiến thức về âm nhạc”, nắm bắt được cấu trúc của nó. Bằng cách này, họ có thể xác định được các nhịp độ từ rất chậm đến rất nhanh của bản nhạc.

Điểm thú vị là quy trình này nếu áp dụng ngược lại cho các bệnh nhân mắc chứng đọc khó thì có thể sẽ mở ra hướng điều trị mới, giúp họ khắc phục được chứng bệnh này. Bởi lẽ quy trình xử lý nhịp độ nhạc và giọng nói là giống nhau, nên bằng cách tập luyện nghe nhạc chậm, bệnh nhân đọc khó sẽ dần được cải thiện được bệnh tình. Mặt khác, những người không có nhiều kiến thức chuyên môn âm nhạc cũng có thể thông qua cách này để cải thiện khả năng nghe nhạc của họ.

Tham khảo NS